Hiện tại Android và iOS đã chia sẻ rất nhiều điểm tương đồng, từ giao diện, cách dùng máy cho đến hệ sinh thái ứng dụng. Tuy vậy, vẫn có 4 điều cơ bản khiến bạn phải suy nghĩ trước khi chọn theo Android hay theo iOS: sự tương thích với những thiết bị khác bạn đang sử dụng, độ bảo mật của nền tảng và xác suất bị tấn công, tính riêng tư về dữ liệu cá nhân, cũng như đặc trưng của một số ứng dụng có thể chạy được trên Android nhưng không thể trên iOS và ngược lại. Mình tổng hợp ở đây để anh em tham khảo lỡ có cần khi phải chọn giữa Android hoặc iOS nhé.
Tính tương thích
Ở đây mình đang nói đến việc chiếc điện thoại của anh em sẽ hoạt động với những thiết bị còn lại của anh em ra sao. Ví dụ, nếu anh em xài điện thoại Android và đang dùng máy tính Mac, anh em không thể tận dụng được tính năng gửi file AirDrop cực nhanh, không dây và không cần phải vào mạng. Hay anh em dùng máy Windows mà xài iPhone thì cũng không thể dùng được AirDrop vì Windows không hỗ trợ, đây là tính năng độc quyền của Apple.
Rồi Android thì cho phép anh em chép file thoải mái vào bộ nhớ trong cũng như tổ chức nó theo cách mà anh em muốn, phù hợp cho anh em hay xài các app văn phòng và muốn mở file một cách quen thuộc nhất. Việc cắm USB vào Android để copy file cũng cực dễ và mang tính "universal", rất nhiều app hỗ trợ. Trong khi đó iOS thì lại bị trói buộc vụ chép file này vào từng app. Giờ iOS 11 đã có ứng dụng Files để quản lý nhưng về cơ bản vẫn còn nhiều hạn chế so với máy tính.
Chưa hết, thiết bị ngoại vi cũng là thứ anh em phải cân nhắc trước khi quyết định mua iPhone hay điện thoại Android. Ví dụ, nếu anh em thích HomePod, anh em BUỘC phải mua iPhone chứ Android không được hỗ trợ, kể cả việc truyền nhạc qua Bluetooth để nghe! Kể cả giai đoạn setup loa cũng đã phải làm từ iOS 11 rồi.
Nếu anh em có ý định xài smartwatch, nếu anh em thích Apple Watch hoặc đang xài Apple Watch thì anh em không có lựa chọn nào khác ngoài iPhone cả. Còn nếu anh em đeo Android Wear hay Samsung Gear, nó chạy được với cả iOS lẫn Android nhưng bên iOS bị giới hạn tính năng hơn so với Android. Đấy, ngay cả những thiết bị đeo cũng phải đau đầu vậy đấy. Đó là lý do khi lựa smartwatch, smartband mình hay lựa máy nào chạy ngon với cả iOS và Android để việc lựa chọn điện thoại của mình không bị phụ thuộc vào đồng hồ.
Tóm lại, về tính tương thích với các phần cứng khác một cách chung chung, rõ ràng anh em Android có lợi thế hơn nhiều so với iOS. Tuy nhiên, nếu bạn đang xài nhiều đồ Apple, hãy mua iPhone để có thể tận dụng hết hệ sinh thái của bạn.
Bảo mật
Có thể bạn nghe nói rằng Android kém an toàn hơn so với iOS vì nó là hệ điều hành nguồn mở, tuy nhiên quan niệm này rất sai lầm. Nguồn mở chỉ tính chất của việc phát triển Android có thể được tham gia bởi nhiều bên khác nhau và mọi người đều có thể xem được mã nguồn, không phải "mở" là kém an toàn hơn. Android dễ bị tấn công hơn vì 2 lý do:
- Android có nhiều người dùng hơn, tin tặc dễ kiếm tiền hơn
- Android cho phép người dùng cài app bên thứ ba vào máy (tuy tính năng này không mặc định bật nhưng nhiều người vẫn bật lên để cài các app từ kho app bên thứ 3)
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng chính sự khó chịu của Apple về việc siết chặt nguồn cài iOS đã giúp hạn chế rất nhiều những cuộc tấn công không đáng có từ malware. Việc cài app không thông qua App Store phải qua nhiều bước hơn, phức tạp hơn so với bên Android. Bản thân ứng dụng cũng bị hạn chế hơn về tính năng, mỗi app chỉ chạy được nội bộ của nó (sandbox), nếu muốn giao tiếp với app khác buộc phải thông qua hệ điều hành nên hạn chế được việc khai thác chéo lỗ hổng bảo mật.
Vậy về bảo mật thì Android hay iOS hơn? Mình sẽ nói là dùng iOS an toàn hơn, nhưng bù lại bạn phải hi sinh nhiều thứ hơn.
Tính riêng tư
Trong các năm qua, Apple nói nhiều về vụ này và xem nó như một thế mạnh của iOS so với Android. Nhiều dữ liệu được lưu trên máy hơn, ít dữ liệu được gửi lên mây hơn, hạn chế quảng cáo... luôn là những thứ được Apple nhấn mạnh.
Bạn có thể đọc kĩ hơn về chính sách bảo mật của Apple tại đây, nhưng về cơ bản thì dữ liệu từ điện thoại của bạn gửi về cho Apple đã được mã hóa và làm rối để không định dang được chính xác bạn là ai. Ví dụ, khi bạn tìm kiếm một cụm từ nào đó hoặc tìm địa điểm trong Apple Maps, dữ liệu này sẽ được gửi về Apple, tuy nhiên Apple chỉ biết là "có một người X ở Quận 1, TP.HCM tìm đường đi ra sân bay", họ không biết X là ai. Trừ những thứ như Find My iPhone hay tài khoản đăng nhập và các tính năng thông minh hỗ trợ lưu trữ, favorite, bookmark... thì không bị làm rối. Cách thức này được Apple gọi là Differential Privacy.
Ngược lại, đa số thông tin Google thu thập được từ thiết bị Android của bạn không bị làm rối, nhưng Google hứa sẽ dùng nó một cách có trách nhiệm và chỉ dùng cho những thứ được sự đồng ý của bạn. Bạn có thể đọc thêm về chính sách riêng tư của Google tại đây. Lưu ý thêm rằng từng hãng như Samsung, Sony, LG, HTC, Xiaomi, Oppo, Vivo, Huawei... sẽ có chính sách khác nữa, nếu có thời gian bạn nên đọc qua nhé.
Tất nhiên việc định danh được thông tin cũng có cái hay, chẳng như Google biết bạn cần gì để hiển thị trước cho bạn (Google Assistant và Google Now), biết bạn hay tìm kiếm gì để điều chỉnh kết quả cho phù hợp, biết hay sắp bay đi đâu, sắp du lịch chỗ nào để gợi ý, tổng hợp thông tin vé máy bay... Đây là những thứ mà dịch vụ của Apple không làm được.
Lại một lần nữa, bạn có thể thấy được sự đánh đổi giữa tính riêng tư và tính tiện lợi chưa? Nếu bạn muốn giữ kín mọi thứ, bạn sẽ bất tiện hơn trong những thứ khác. Tùy anh em thích cái nào để lựa chọn cho phù hợp nhé.
Ứng dụng
Dù hiện tại app viết cho iOS và Android đã gần giống nhau, tính năng của app cũng tương tự nhau, nhưng vẫn có một số app được tối ưu cho iOS tốt hơn Android và ngược lại. Ví dụ, app Facebook cho Android thường chậm hơn so với iOS, trong khi ứng dụng Facebook Messenger Android lại ngon hơn. Cái này là do bên phát triển ứng dụng chứ không phải vì Google hay Apple. Chỉ đơn giản là họ chưa làm đủ tốt để tối ưu app mà thôi.
Ngoài ra, như mình có nói ở trên, ứng dụng bên Android có thể làm được nhiều chuyện hơn so với iOS vì Google không giới hạn "gắt" như Apple. Ví dụ, các app có thể đổi theme của máy, đổi icon của launcher, đè những lớp hiển thị thông tin mới lên app khác... Cục chat head của Facebook Messenger là ví dụ dễ thấy nhất.
Ứng dụng Android cũng có thể đo chi tiết mức độ sóng Wi-Fi của bạn trong khi loại app này hoàn toàn bị cấm bên App Store. Rồi cả những công cụ tự động hóa để can thiệp vào báo thức, kết nối mạng,... bên Android vẫn tốt hơn so với iOS. À, iOS hoàn toàn cấm việc ghi âm cuộc gọi, trong khi bên Android thì thoải mái chả sao cả.
Dù với đa số người dùng phổ thông thì app hai bên như nhau, nhưng các điểm khác biệt mà mình nói với anh em ở trên cũng là những thứ quan trọng cần lưu tâm khi chọn giữa Android và iOS.
Chốt lại bài viết này: chọn giữa Android và iOS vẫn là một thứ bạn phải suy nghĩ, và tiêu chí chọn mỗi người mỗi khác vì nhu cầu chẳng ai giống ai. Hãy liệt kê ra những thứ bạn cần và chọn OS cho phù hợp. Nếu bạn có điều gì chưa rõ hay không biết nhu cầu của bạn phù hợp với Android hay iOS, hãy comment vào bài viết này nhé, các anh em khác sẽ tư vấn giúp bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét